Chúng tôi đứng chật cả một dãy hành lang, lặng lẽ nhìn Khả Du được đưa vào trong phòng cấp cứu và cánh cửa lớn nặng nề khép lại. Gương mặt mấy vị bác sĩ nhăn nhó và khẩn trương đến lạ kì. Tôi vẫn như còn thấy chiếc váy xanh đọng những giọt nước mắt thấp thoáng quanh đây.
Bác sĩ nói, bệnh của Du đã nghiêm trọng lắm rồi. Và rằng đáng lẽ ra cậu ấy phải đến đây sớm hơn.
Biểu hiện của bệnh giống như ung thư phổi.
Phải, chính nó. Ung. Thư. Phổi.
Tôi phải lấy cả hai bàn tay để kiềm tiếng kêu hốt hoảng bật ra, đầu gối gần như khuỵu xuống, và phải tựa vào người Nguyên cho khỏi ngã. Những vệt máu ấy, những lần ho ấy, những cơn đau ngực quay quắt ấy, tất cả là biểu hiện của bệnh ung thư ư? Ung thư phổi, căn bệnh ấy vốn đã chẳng xa lạ gì đối với lũ nghiền phim Hàn hay Đài Loan Trung Quốc…
Chuyện này có thật sao? Nó đang xảy ra thật sao? Với chúng tôi? Ở đây? Vào khoảnh khắc này?
Tôi tự bật cười, tự muốn vả vào mặt mình. Tất cả những sự đau đớn và khó chịu kia của Khả Du, tôi đã thấy hết. Nhưng tôi đã làm gì? Chẳng gì cả. Tôi đã gần như biết, tôi đã lờ mờ đoán được, tôi đã nghi ngờ, nhưng cái lờ mờ không chắc chắn ấy đã góp phần gián tiếp làm bệnh của bạn tôi nặng hơn. Chính sự vô tâm đến vô tình, sự thờ ơ, coi như đó chỉ là chuyện của người dưng và chẳng làm gì cả, đôi khi còn làm ta dằn vặt và khổ tâm hơn cả khi không hoàn toàn không hay biết.
- Cậu ấy sẽ không sao, không sao mà, phải không? – Thu Linh nhìn tôi, lắp bắp trong nghẹn ngào, ánh mắt hoảng sợ đến khôn cùng. Cả người cậu ấy run lên bần bật – Các bác sĩ cũng có thể chuẩn đoán sai mà, cũng có thể đấy chỉ là bệnh gì đấy nhẹ thôi nhưng biểu hiện giống ung thư chẳng hạn. Đúng rồi, đúng thế rồi, phải không, phải không An? – Cậu ấy giật giật tay áo tôi, những câu nói lặp đi lặp lại.
Nguyên thở dài, nhắm nghiền mắt lại. Tôi cầm chặt lấy tay cậu ấy. Thằng bạn thân nhất của tôi là đứa hiểu rõ về ung thư phổi hơn ai hết, căn bệnh ấy đã cướp đi người bác mà cậu ấy yêu quý nhất. Cậu ấy biết rõ căn bệnh ấy di căn nhanh đến nhường nào.
- Tại sao cậu ấy có thể giấu chúng ta trong một quãng thời gian dài đến thế, hả An? – Thắng hỏi tôi, mà như hỏi tất cả mọi người. Câu hỏi rơi tõm vào một quãng thinh lặng.
Không, câu hỏi không phải vậy. Nó phải sửa thành “Tại sao chúng ta lại có thể không biết trong một quãng thời gian dài đến thế?”
Bẵng đi một lúc lâu sau đó, không ai nói với ai câu nào, tất cả chỉ còn biết lặng lẽ nắm tay nhau mà cầu nguyện. Cầu nguyện như những gì Thu Linh đã nói. Cầu nguyện cho các bác sĩ chuẩn đoán sai, cầu nguyện cho cậu ấy chỉ bị một căn bệnh nhẹ nhàng.
Hay nói cách khác, chúng tôi cầu nguyện cho một phép màu.
Chỉ khi người mà ta vẫn chì chiết, vẫn cay nghiệt vì một lý do không chính đáng bấy lâu nay đã đi tới lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, thì ta mới thấy những hành động của mình khi xưa là ngu ngốc, là lỗ mãng, là ích kỉ, là thiếu tình người đến nhường nào. Và khi ấy, ta chỉ mong cho thời gian được dài ra để mà bù đắp, mong cho thời gian được quay lại để sửa những lỗi lầm. Như chúng tôi bây giờ, tất cả, không chừa một ai đều đang đứng lặng ở nơi đây, cùng trông đợi đến khoảnh khắc cánh cửa cót két mở ra. Những bàn tay chợt buông, còn đôi mắt thì ngước lên đầy hy vọng.
- Bạn của các cháu còn hai tháng.
Chỉ bảy chữ, nhưng cũng đủ làm chúng tôi chết lặng. Sững sờ.
Chưa bao giờ tôi muốn vứt đôi tai mình đi đến thế.
- Theo chuẩn đoán của chúng tôi thì ung thư đã đến giai đoạn cuối rồi. Bệnh viện sẽ chuyển bạn ấy lên tuyến trên. – Người mặc áo trắng lắc đầu nhè nhẹ – Còn bây giờ, tốt nhất là đừng vào, để cho bạn ấy ngủ. Dường như lâu lắm rồi cô bé chưa ngủ được....